Thời trang đang sử dụng NFT như thế nào?

Ứng dụng NFT của các thương hiệu đã vượt xa khỏi biên giới của những thử nghiệm kỳ quặc hay mục đích nghệ thuật như trước đây. Nhiều nhà mốt đã nghĩ đến chuyện sử dụng NFT như một cách để thúc đẩy doanh số của những sản phẩm vật lý độc quyền.
Các biển quảng cáo ở thành phố New York hiển thị hai CryptoPunks NFT, trong đó có một con vượn đội mũ màu cam. Ảnh: CryptoPunks
 

Các thương hiệu như Tiffany, Prada và RTFKT thuộc sở hữu của Nike đang là một số những thương hiệu sử dụng mã thông tin kỹ thuật số để cung cấp quyền truy cập độc quyền vào danh mục hàng hóa hữu hình của mình.

Tuần vừa qua, Tiffany & Co. công bố chương trình dành cho các sản phẩm trang sức tùy chỉnh với những nguời sở hữu của CryptoPunk NFTs, tập trung vào tài sản NFTiffs của công ty. Để có được một mặt dây chuyền, chủ sở hữu CryptoPunk cần mua một NFTiff trị giá 30 ETH (tương đương khoảng 50.000 USD). Sau đó, mã này sẽ được chuyển đổi thành một mặt dây chuyền do Tiffany thiết kế riêng, hoặc một NFT y vật phẩm thực tế, tùy theo ý khách hàng.

Cũng trong tuần này, Prada đã công bố bộ sưu tập Timecapsule NFT mới nhất, được sử dụng để liên kết NFT với các mặt hàng như áo sơ mi phiên bản đặc biệt. Trong khi đó, Dolce & Gabbana đã giới thiệu bộ sưu tập Realta Parallela gồm áo hoodie NFT, áo phông và giày thể thao để phục trang cho hình ảnh kỹ thuật số của họ.
 

 
Tiffany & Co. ra mắt các tài sản NFTiffs cho khách hàng sở hữu CryptoPunk NFTs

Các thương hiệu tập trung vào tiền điện tử cũng đang sử dụng NFT để cho phép người mua chuyển đổi thành các sản phẩm hữu hình. Vào tháng 7, RTFKT thuộc sở hữu của Nike đã phát hành một chiếc áo hoodie NFT và theo như RTFKT miêu tả, chủ nhân của những chiếc áo đó có thể biến nó thành một sản phẩm mặc được trong thế giới thực . Trọng tâm của đợt “tung hàng” đầu tiên của 9dcc, một “thương hiệu xa xỉ nguyên bản điện tử” do KOL crypto Gmoney thành lập, sẽ là các NFT dành cho những khách hàng mua đầu tiên quy đổi thành áo phông tương ứng.
 

Lợi…

 

Vì NFT dễ dàng cung cấp cho các chủ sở hữu những lợi ích độc quyền, nên các thương hiệu sẽ tận dụng điều này để ra mắt các bộ sưu tập capsule hay quyền xem trước những bản phát hành mới nhất, hoặc các thiết kế tùy chỉnh đặc biệt. Điều này giúp thương hiệu có lợi thế xây dựng lòng trung thành với nhóm người khách hàng gắn bó và chịu ít rủi ro về hàng tồn kho hơn, vì giờ đây họ chỉ cần sản xuất hàng tương ứng với số lượng NFT đã mua.

Ý tưởng này đang thu hút sự quan tâm của những người ủng hộ web3. Nic Carter, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm tiền điện tử Castle Island Ventures, đã quảng bá đây là “tương lai của xa xỉ”, rằng ông hy vọng nó sẽ “đẩy nhanh quá trình ứng dụng NFT”.

Bài đăng của Carter đưa ra giả thuyết về cách các thương hiệu có thể sử dụng NFT để phát hành sản phẩm vật lý. Nếu trước đó khách hàng đã mua NFT từ thương hiệu, ví tiền điện tử của họ sẽ được “đưa vào danh sách trắng” cho lần ra mắt sản phẩm tiếp theo, và họ được đảm bảo quyền truy cập cho bản phát hành trực tuyến. Khi mua NFT, khách hàng có thể được tặng kèm một phiên bản đeo kỹ thuật số hoặc hỗ trợ AR để đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, song song với khả năng yêu cầu sản phẩm vật lý, chẳng hạn, một đôi giày thể thao để họ có thể đi được ngoài đời.
 

 
Bộ sưu tập Timecapsule NFT mới nhất của Prada

Theo ví dụ của Carter, sự kết hợp vật lý với kỹ thuật đến đây vẫn chưa dừng lại. Vì sau vài tuần, đôi giày thể thao mà khách hàng đặt sẽ được giao đến, trong chứa một chip NFC để người mua có thể quét bằng điện thoại của họ. Chip này mang đến một NFT khác chứng minh tính xác thực của đôi giày, đồng thời tích hợp một vài lợi ích khác từ nhà cung cấp, như việc độc quyền tham gia các sự kiện trực tiếp của nhãn hàng.
 

… bất cập hại
 

Tuy vậy, mô hình này không phải không có những nhược điểm tiềm ẩn. Về cơ bản, đây là một cách thức đặt hàng trước, vì vậy, khách hàng có thể đợi đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng trước khi nhận được các sản phẩm mà họ cần, vì phải mất thời gian sản xuất và vận chuyển sau đó. Đơn cử, Tiffany & Co. dự kiến ​​sẽ cung cấp mặt dây chuyền CryptoPunks tùy chỉnh từ đầu năm 2023.

Cách làm này cũng làm tăng thêm số bước vào quy trình mua hàng và có thể gây ra sự rối rắm, phức tạp, ít nhất là ở giai đoạn đầu. Trải nghiệm người dùng liên quan đến việc mua NFT vẫn còn nhiều lỗi. Các vấn đề như thời gian chờ để xử lý lên đến vài giờ, khiến cho việc bán áo khoác NFT của RTFKT trong tháng 7 vừa qua gây phiền nhiễu cho khách hàng và công ty phải lên tiếng xin lỗi.

Vì những lý do trên mà mô hình vật lý - kỹ thuật số có thể phù hợp với các sản phẩm giới hạn hoặc vô cùng đặc biệt mà người mua hàng sẽ phải nỗ lực chờ đợi để có. Còn đối với một chiếc sơ mi hay quần jean bình thường, khách hàng có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi phải trải qua nhiều bước để mua như vậy.


 

 

Vậy nên, không ngạc nhiên khi các công ty thời trang đi đầu trong việc thử nghiệm ý tưởng này đều là những thương hiệu xa xỉ. Bởi vì, không phải công ty nào cũng có thể thành công với ý tưởng trên. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn khác mà các thương hiệu sẽ phải trả lời là: Liệu họ có thật sự cần mô hình NFT như thế này không? Hay họ có thể đơn giản thu thập email khách hàng và cập nhật hồ sơ mua hàng của họ?

Carter cũng giải quyết câu hỏi đó trong bài chia sẻ của mình. Ông lưu ý rằng các thương hiệu thay vì xây dựng các khả năng tùy chỉnh từ đầu, thì có thể dựa vào các blockchain đã có như Ethereum để cung cấp cơ sở bắt đầu cho các khách hàng. “Đã có một thị trường khổng lồ cho NFT với rất nhiều người mua điện tử sẵn sàng tiếp cận, và hàng tấn cơ sở hạ tầng tài chính đã được xây dựng. Vì vậy việc (thương hiệu) xuất hiện ở đó là hợp lý”. Nghe có vẻ như một lập luận mà Tiffany đã để đẩy mạnh chương trình NFTiffs và làm đồ trang sức cho các chủ sở hữu CryptoPunk của mình!

Lược dịch Business of Fashion
Nguồn: L'officiel Việt Nam

 
 
⭐ Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza
📍 Địa chỉ: 24 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
☎️ Hotline: 1900 3149
⏱ Giờ mở cửa: T2-T5: 9.30 - 21.30. T6 - CN: 9.30 - 22.00
🔷 Zalo OA: https://bit.ly/TTP-ZaloOA

Nhận thông tin từ chúng tôi

Lên đầu trang